Trả lại giấy tờ nhặt được sao khó quá!

TT - Ông Trương Kim Hiện (40 tuổi, tạm trú đường Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã than như vậy khi gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhờ làm cầu nối để trả lại một số giấy tờ mà bạn ông nhặt được cho người đánh rơi...

Ông Hiện kể khoảng hai tuần trước, một người bạn cùng làm trong công ty xây dựng với ông trên đường đi làm về qua cổng Khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM) có nhặt được một túi nilông đựng các loại giấy tờ, gồm giấy CMND mang tên Phạm Thị Minh Hoàn (sinh ngày 8-8-1992, quê quán Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và giấy phép lái xe cũng mang tên Phạm Thị Minh Hoàn nhưng nơi cư trú là xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai. Ngoài ra, trong túi nilông mà người bạn ông nhặt được còn có giấy bảo hiểm xe môtô, giấy đăng ký môtô 59L1-02477, biên lai thu phí đường bộ mang tên Phí Văn Dũng (ngụ 252 Cao Lỗ, P.4, Q.8). Chiều 2-1, khi nghe người bạn kể chuyện nhặt được giấy tờ nhưng không biết làm sao để trả lại cho khổ chủ, ông Hiện nhận làm việc này thay cho bạn.

Ngay trong đêm 2-1, ông Hiện gọi điện cho tổng đài xin số điện thoại của các địa phương ghi trong giấy CMND và giấy phép lái xe của chị Phạm Thị Minh Hoàn. Sau đó, ông gọi vào số điện thoại của Công an P.Trung Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) báo tin nhặt được các loại giấy tờ trên thì một cán bộ trực ban cho biết: “Chắc người bị mất giấy tờ đã chuyển chỗ ở” và hướng dẫn ông Hiện gọi vào số điện thoại của địa phương ghi trong giấy phép lái xe của chị Hoàn.

Ông Hiện tiếp tục gọi tới số điện thoại của đơn vị cấp giấy phép lái xe cho chị Hoàn là Sở Giao thông vận tải Đồng Nai thì được nhân viên ở đây xin số điện thoại và yêu cầu ông chờ đến lúc nào có người trùng khớp với thông tin trong giấy phép lái xe báo mất giấy họ sẽ thông báo cho ông biết. Sau hai cuộc gọi không có kết quả, ông Hiện đã đưa thông tin người bị mất các loại giấy tờ trên lên trang Facebook cá nhân và để lại email với hi vọng may ra có người biết sẽ hồi âm.

Ông Hiện kể năm 2007, khi đi làm ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), ông cũng từng đánh rơi điện thoại di động nên thấu hiểu cảm giác của người bị mất đồ đạc, giấy tờ. Khi đó ông cứ nghĩ chiếc điện thoại của mình mất luôn rồi, nhưng điều hay đã xảy ra nhờ lòng tốt của một phụ nữ. “Chị gọi điện hỏi thăm và hẹn tôi ra cầu Tân Thuận (Q.4) để nhận lại chiếc điện thoại đã mất. Lúc đầu tôi hỏi chị lấy bao nhiêu tiền chuộc để chuẩn bị nhưng chị bảo nhặt được thì trả lại chứ tiền bạc gì. Lúc đưa điện thoại cho tôi, người phụ nữ này vội vàng đi ngay khiến tôi không kịp hỏi tên và nói lời cảm ơn vì lòng tốt của chị” - ông Hiện kể.

Ông Hiện tâm sự việc làm của ông “chẳng có gì to tát cả”, ông chỉ muốn giúp những người mất giấy tờ cá nhân tìm lại được giấy tờ để không phải mất thời gian, công sức đi làm lại.

Nộp cho công an phường nơi nhặt được giấy tờ

Đại tá Đỗ Đức Quang, trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Công an TP Hà Nội), cho biết người dân khi nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác nên liên hệ và nộp lại cho công an phường - địa bàn phát hiện giấy tờ đánh rơi. Công an phường sau khi tiếp nhận giấy tờ này sẽ gửi cho công an tỉnh thành nơi người bị đánh rơi giấy tờ cư trú (hoặc có hộ khẩu thường trú). Công an tỉnh thành sau khi tiếp nhận giấy tờ này sẽ chuyển về cho công an địa phương (phường, quận) để xác minh hồ sơ, nơi cư trú của người bị rơi giấy tờ và tìm cách trả lại cho họ...

“Đây là việc tốt nên khuyến khích người dân làm để giúp người không may tìm lại được giấy tờ bị đánh rơi” - ông Quang nói.

LÂM HOÀI

Nên bổ sung quy định để không phụ lòng tốt

Trong trường hợp này cũng không thể trách cứ cơ quan cấp giấy mà người nhặt được giấy đã thử liên hệ. Các cơ quan này không hề được giao nhiệm vụ truy tìm, xác định người làm thất lạc giấy tờ để trả lại. Pháp luật cũng chưa có quy định gì để điều chỉnh chuyện này. Hiện Bộ luật dân sự (BLDS) chỉ quy định về quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên..., trong đó có nêu nghĩa vụ trả lại tài sản của người phát hiện và trách nhiệm tiếp nhận tài sản đó của UBND cấp xã hoặc công an cơ sở gần nhất trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu. Do giấy tờ tùy thân không phải là giấy tờ có giá, tức không phải là tài sản như định nghĩa của BLDS nên người nhặt được lẫn cơ quan nhận được thông tin liên quan không buộc phải thực hiện các quy định đó của BLDS.

Chính vì điều này và xuất phát từ nhu cầu thực tế mà một số cá nhân, tổ chức đã nhận làm dịch vụ tìm giấy tờ thất lạc để làm cầu nối giữa người nhặt được giấy tờ và người mất giấy tờ. Có lẽ do dịch vụ này còn khá mới mẻ nên nhiều người vẫn chưa biết và từ đó gặp nhiều lúng túng khi muốn làm người tốt như bạn đọc nêu trong bài.

Nên chăng trong quá trình bàn thảo, sửa đổi BLDS, các cơ quan chức năng xem xét thêm tình huống cũng khá phổ biến này. Nếu không liên lạc được với người đánh rơi, người nhặt được sẽ có nơi “ký gửi” để không phải canh cánh “ôm” những thứ “đắt giá” của người khác. Ngược lại, người nhặt được sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để có thể giao trả giấy tờ cho chủ nhân trong thời gian ngắn nhất, tránh chuyện mất công, mất chi phí, thậm chí đôi lúc còn bị nghi ngờ thông đồng với kẻ gian...

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

Thống kê
  • Đang truy cập801
  • Máy chủ tìm kiếm147
  • Khách viếng thăm654
  • Hôm nay289,832
  • Tháng hiện tại1,560,905
  • Tổng lượt truy cập188,518,677
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi